STEAM ROBOTICS: VIETSCHOOLERS LẬP TRÌNH VỚI ĐỘNG CƠ VÀ CẢM BIẾN
MỤC LỤC [Ẩn]
Trong tuần học vừa qua, học sinh khối THCS đã bắt đầu làm quen lập trình với động cơ và cảm biến trong môn học STEAM Robotics. Đi từ những bài học cơ bản nhất của bộ môn này, Vietschoolers dần bồi đắp nền tảng kiến thức, kỹ năng khoa học - công nghệ vững chắc cho những sáng tạo nâng cao hơn.
Lớp học được chia thành các nhóm, làm việc với bộ Lego Spike Prime (thuộc bản quyền của Lego Education) bao gồm: 528 chi tiết lego, 6 loại động cơ - cảm biến (ma trận đèn, động cơ, cảm biến màu, cảm biến khoảng cách, cảm biến lực, cảm biến con quay hồi chuyển).
Học sinh được giáo viên hướng dẫn tìm hiểu về bộ Lego, cùng đặc điểm và nguyên lý hoạt động của các loại động cơ, cảm biến.
Cô giáo đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn, quen thuộc: động cơ làm quay bánh xe giúp ô tô, xe máy,... di chuyển; cảm biến màu giúp xe tự động dừng lại khi gặp đèn đỏ, cảm biến khoảng cách điều khiển xe rẽ sang hướng khác khi sắp va chạm với vật thể.
Khi đơn giản hóa các khái niệm công nghệ phức tạp bằng những ví dụ trên, học sinh dễ dàng hiểu bài, hào hứng tham gia vào hoạt động học tập, ngày càng yêu thích các tiết STEAM Robotics.
- Sau khi nắm được những kiến thức cơ bản, các em tiến hành lắp ghép các chi tiết Lego và lập trình trên máy tính bảng:
- Sử dụng cảm biến màu để phát hiện và phản ứng với màu của các vật thể (có thể phát hiện các tông màu khác nhau). Học sinh cũng sáng tạo bằng cách thêm/bớt các khối Lego để theo dõi sự thay đổi của phản ứng màu.
- Sử dụng cảm biến khoảng cách để lập trình robot tự động dừng hoặc rẽ sang hướng khác khi gặp vật cản ở khoảng cách nhất định.
- Sử dụng cảm biến lực để lập trình robot tự động điều chỉnh tốc độ theo thông số đã được cài đặt khi có tác dụng lực (đẩy, kéo,...).
- Bằng cảm biến con quay hồi chuyển, học sinh làm cho robot phát ra âm thanh khi gặp các đối tượng, vật cản.
Chúng ta cùng chờ đón thêm những giờ học STEAM Robotics thú vị của Vietschoolers nhé!