[CHUYỆN KỂ GIÁO VIÊN] “CHẠM” VÀO THIÊN NHIÊN ĐỂ GIẢI MÃ CÁC LOÀI SINH – Hệ thống trường Vietschool
Các khóa học đã đăng ký

[CHUYỆN KỂ GIÁO VIÊN] “CHẠM” VÀO THIÊN NHIÊN ĐỂ GIẢI MÃ CÁC LOÀI SINH VẬT

MỤC LỤC [Ẩn]

    Bài viết của cô Trần Thị Thu - GVCN lớp 6V1 trong chương trình Chuyện kể giáo viên

    Những bức tranh tự nhiên sống động trước mắt học sinh khi các em nhập vai những Nhà khoa học, cùng khám phá thế giới thực vật trong tiết Khoa học tự nhiên lớp 6. Đây là cuộc phiêu lưu tìm hiểu về sinh vật ngoài thiên nhiên, chạm tay vào cây cối, hoa cỏ mùa Xuân và phát huy tinh thần khám phá, nghiên cứu khoa học.

    Thám hiểm sân vườn Vietschool

    Lớp học đặc biệt trong sân chơi Vietschool, dưới những tán cây xanh mát. Cả lớp ngồi dưới nền cỏ, lắng nghe cô giới thiệu bài học, giao nhiệm vụ, nhận phiếu học tập và bắt đầu hành trình khám phá muôn loài cỏ cây có trong vườn trường.

    Những ánh mắt ngạc nhiên, tiếng reo vui hào hứng khi các con khám phá được những loài cây với những cái tên vô cùng đặc biệt như Bạch Mã Hoàng Tử, Đuôi Công, Mai Chỉ Thiên,… Mỗi chi tiết nhỏ đều được các em ghi chép vào sổ học tập sau khi quan sát.

    Các thành viên trong nhóm cùng thảo luận và chia sẻ với các bạn những hiểu biết của mình về các loài cây. Cô giáo liên tục gợi mở cho học sinh nhiều điều thú vị khác về nguồn gốc và đặc điểm của các loài cây đó.

    Không chỉ nhận diện các loại cây bằng tên gọi, học sinh còn phải quan sát và đưa ra nhận xét về môi trường sống, thân và rễ của từng loại cây đó. Có loài cây thân gỗ, cây thân thảo, hay cây leo uốn lượn, có cây còn có thân giả hay không có thân. Mỗi kiểu thân kể một câu chuyện riêng về sức sống và chiến đấu để tồn tại trong thế giới tự nhiên đầy kỳ diệu.

    Giáo viên khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu về cách các loại cây tương tác với môi trường xung quanh. Các con say sưa đưa ra những câu hỏi và cùng nhau thảo luận: "Tại sao một số cây có thể sống dưới bóng râm, trong khi những loại khác lại cần ánh sáng trực tiếp?" hoặc "Làm thế nào cây thích nghi với thay đổi của môi trường?"

    Học sinh sử dụng kỹ thuật phân loại và áp dụng các kiến thức khoa học đã được học trên lớp thông qua việc thực hành phân nhóm thực vật (Rêu, dương xỉ, hạt trần, hạt kín), phân tích cơ quan sinh sản của từng loại cây, xây dựng khóa lưỡng phân để nhận biết các loài thực vật đã quan sát.

    Phương pháp dạy học tích cực - Khuyến khích sự tò mò và nghiên cứu

    Trong tiết học này, phương pháp dạy học tích cực được giáo viên áp dụng hiệu qủa trong từng hoạt động và cách thức giao nhiệm vụ cho học sinh. Thay vì việc chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức một cách trực tiếp, giáo viên tạo điều kiện cho học sinh thể hiện sự sáng tạo và tò mò của mình.

    Giáo viên khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời, và chia sẻ những khám phá của mình với nhóm. Phiếu học tập được thiết kế khoa học với nhiệm vụ cá nhân, nhiệm vụ nhóm phù hợp với đối tượng học sinh. Việc tự nghiên cứu và tìm kiếm thông tin giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy khoa học và sự tự chủ trong học tập. Bằng cách này, các con không chỉ thu nhận kiến thức một cách thụ động mà còn phát huy kỹ năng giải quyết vấn đề, những kỹ năng quan trọng không chỉ trong khoa học mà còn trong cuộc sống hàng ngày.

    Ngoài ra, hoạt động “giao tiếp” với các loài sinh vật còn giúp học sinh có cơ hội “chạm” vào vẻ đẹp và sức sống của thế giới tự nhiên, các con thêm yêu hơn cảnh quan nơi mình sinh sống, học tập và ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên.

     


    Cũ hơn Mới hơn


    Thông tin liên hệ

    ĐĂNG KÝ TÌM HIỂU THÔNG TIN VIETSCHOOL

    Nhà trường sẽ phản hồi Quý phụ huynh trong 24h. Xin cảm ơn!