TS. Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ bí quyết “nuôi dưỡng một người đọc tí hon”
MỤC LỤC [Ẩn]
Chiều qua (02/3), Chương trình Cafe Giáo dục số 03 với chủ đề “Nuôi Dưỡng Một Người Đọc Tí Hon” đã được tổ chức tại Trường Tiểu học Vietschool với sự dẫn dắt của TS. Nguyễn Ngọc Minh, Thành viên Hội đồng Cố vấn Vietschool, người sáng lập và điều phối dự án “Sách Ơi Mở Ra”.
Chương trình được tổ chức nhằm tạo diễn đàn cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp để khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho trẻ em từ trong gia đình. Nhiều phụ huynh thân thiết của Vietschool cùng những người quan tâm tới văn hóa đọc nói chung, việc đọc sách của con trẻ nói riêng đã tới tham dự chương trình.
ĐỌC LÀ CÁCH TỰ HỌC TỐT NHẤT
Mở đầu chương trình, TS. Nguyễn Ngọc Minh giới thiêu lại một cuốn sách mà chị đã đọc trên giá sách gia đình hơn 30 năm trước. Điều đặc biệt là những gì chị đọc được trong cuốn sách đó đến nay vẫn gần như nguyên vẹn trong tâm trí. Điều đó chứng tỏ, một cuốn sách đọc từ thời thơ ấu có thể tác động mạnh đến nhận thức, nhân cách của con người sau này. Đó cũng là lý do và động lực để chị viết cuốn sách “Nuôi Dưỡng Một Người Đọc Tí Hon”.
Theo Tiến sĩ Minh, việc học tại bậc phổ thông không thể thay thế hoàn toàn cho việc đọc. Việc học chỉ gói gọn trong bộ sách giáo khoa không thể thỏa mãn được trí tò mò và mối quan tâm của từng đứa trẻ. Vì vậy, đọc là cách tự học tốt nhất và sách là người thầy ở mọi nơi.
IM LẶNG LÀ GIAI ĐOẠN QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ BẮT ĐẦU VIỆC ĐỌC CỦA TRẺ
Thảo luận với khán giả về cách đọc của con trẻ trong gia đình, chị Minh chia sẻ rằng khi đọc, trẻ bộc lộ rất rõ con người và cách tư duy của mình. Đặc biệt không phải đến khi biết chữ trẻ mới biết đọc mà trẻ có thể đọc từ khi vài tháng tuổi với khả năng nhận biết, ghi nhớ thông tin của mình. Việc đọc cho con nghe, nói chuyện với con ngay từ khi con chưa biết nói là rất quan trọng. Giai đoạn im lặng chính là giai đoạn trẻ nạp kiến thức và thông tin vào trí óc mình, đây là giai đoạn quan trọng nhất để bắt đầu việc đọc của trẻ.
Chia sẻ về việc chọn sách phù hợp với từng lứa tuổi, chị Minh cho biết, với trẻ dưới 6 tháng tuổi nên bắt đầu từ những cuốn sách đơn giản, an toàn, với hình vẽ và đường nét đơn giản nhất vì trẻ chưa phân biệt được chi tiết. Đối với trẻ khoảng 3 tuổi, sách vẫn đơn giản về hình ảnh, sắc độ rõ ràng nhưng bắt đầu có cốt truyện lặp lại. Với trẻ 4 tuổi, có thể tiếp nhận được cốt truyện đầy đủ, phức tạp hơn. Với trẻ 5 tuổi, sách cần có hình ảnh đẹp đẽ, chi tiết cụ thể và nhận vật có cá tính, khả năng tiếp nhận những thông tin phức tạp hơn.
Lý giải về việc trẻ thích đọc cốt truyện lặp lại, chi Minh cho rằng đó là tâm lý chung của trẻ muốn sự quen thuộc, an toàn. Vì vậy, khi chọn sách cho con cũng cần lưu ý đến sự an toàn.
VỀ CÁCH ĐỌC SÁCH CÙNG CON
Về cách đọc và tương tác với con khi đọc, TS Nguyễn Ngọc Minh đồng tình với một số cách đọc mà phụ huynh Vietschool đã chia sẻ nhưng chị cũng lưu ý, đứa trẻ nào cũng muốn bắt chước hành vi của người lớn khi đọc, từ dáng ngồi, cầm sách, giọng đọc… Khi đọc sách cho con, hãy đừng đọc vội, hãy cùng con nhìn một cách tổng quát về cuốn sách, chia sẻ với con về tiêu đề sách, cách trình bày, hình ảnh đầu tiên… Để cho trẻ được dự đoán trước khi đọc, để trẻ phát huy trí tưởng tưởng, khơi gợi trí tò mò để trẻ thực sự muốn khám phá, muốn đọc tiếp.
Theo Tiến sĩ Ngọc Minh, đặt câu hỏi cho trẻ hay khơi gợi để trẻ tự đặt câu hỏi là cách tuyệt vời nhất khi đọc sách. Đọc sách cho trẻ cần có các trạm dừng, dừng ở những tình tiết hấp dẫn, gay cấn, căng thẳng, đa nghĩa để kích thích sự tò mò, suy đoán của con. Nghệ thuật đọc sách cho trẻ để khiến trẻ cuốn vào cuốn sách và tận dụng tối đa tác dụng của sách trong phát triển trí tuệ ngôn ngữ là hãy tạo ra ngôn ngữ toàn diện trong khi đọc.
Theo kinh nghiệm của Tiến sĩ Ngọc Minh, ngay cả sau khi đọc, cha mẹ cũng hoàn toàn có thể giúp trẻ ghi nhớ thêm bằng cách biến chính cuốn sách đã đọc thành những sản phẩm riêng như vẽ một nhân vật mà con thích, làm một cốt truyện khác…
Một điều nữa mà tác giả “Nuôi Dưỡng Một Người Đọc Tí Hon” lưu ý với các bậc phụ huynh đó là, việc tôn trọng cá tính riêng, thể trạng riêng của trẻ khi đọc là vô cùng quan trọng, với mỗi đứa trẻ có cách đọc riêng, cha mẹ không được nóng vội.
Phần thảo luận của chương trình được mở rộng thêm với những chia sẻ của các bậc phụ huynh về cách đọc sách cùng con của riêng mình. Đó đều là những kinh nghiệm rất hay những rất ít có cơ hội chia sẻ, thảo luận và phân tích về cơ sở khoa học của nó.
Sau những chia sẻ của khán giả, Tiến sĩ Ngọc Minh bày tỏ tâm niệm của mình rằng giáo dục trong gia đình là vô cùng quan trọng và mang tính quyết định. Những gì cha mẹ cho trẻ ở thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của con, vì vậy mong các bậc cha mẹ hãy dành thời gian cho con, đặc biệt là dành thời gian đọc cho con.
Tâm niệm của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh cũng là những thông điệp mà chương trình Cafe Giáo dục với chủ đề “Nuôi Dưỡng Một Người Đọc Tí Hon” muốn gửi gắm tới các bậc phụ huynh của Vietschool và những người quan tâm tới việc đọc sách của con trẻ.