Mong ước thay đổi văn hóa đọc của người Việt – Hệ thống trường Vietschool
Các khóa học đã đăng ký

Mong ước thay đổi văn hóa đọc của người Việt

MỤC LỤC [Ẩn]

    Tôi có những khó khăn là tôi sinh ra ở nông thôn, cũng trải qua tuổi thơ nghèo khó, thường xuyên đi học cách nhà 7 cây số trong tình trạng bụng đói cồn cào. Tôi thi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội và được giữ lại trường, nhưng lúc đó tôi lại xin về quê dạy học và bị các thầy cô mắng cho một trận vì được giữ lại trường mà lại đòi về quê dạy học là vô lý. Vậy là tôi ở lại trường và thi đỗ được học bổng của Nhật và đã sang Nhật du học tháng 10-2006, sau khi học xong tôi về lại trường công tác và lại sang Nhật học lần thứ 2 vào năm 2011.

    Hai năm cuối trước khi rời Nhật Bản, tôi làm công việc phiên dịch và hỗ trợ cho những người Việt bị tạm giam, tạm giữ, bị hỏi cung ở các trại tạm giam, tạm giữ. Vậy là tôi được nhìn xã hội Nhật ở một nơi tối tăm nhất – đó chính là nhà tù. Và ở đó xuất hiện những cuốn sách. Bởi vì ở Nhật khi một luật sư làm việc họ sẽ có mấy lời nói với phạm nhân: Đầu tiên là việc phạm nhân đó có quyền giữ im lặng, thứ hai phạm nhân có cần giúp đỡ gì không và thứ ba là phạm nhân có nhu cầu đọc sách hay không.

    Bởi vì ở nơi đó, họ có thư viện cho phạm nhân đọc sách và thú vị nhất khi tôi phát hiện ra là rất nhiều trong số những thanh niên Việt Nam bị bắt giữ ban đầu chưa đọc sách bao giờ, nhưng khi được cung cấp sách để đọc đã phát hiện ra việc đọc sách hay và thú vị đến thế.

    Ở trại giam mà tôi làm việc, có một bức hoành phi to được viết bằng chữ thư pháp để ở lối ra vào, mà bất cứ ai ra khỏi trại giam đều nhìn thấy bức đó với dòng chữ: “Làm người thì không thể không sai lầm nhưng không để sai lầm lặp lại mới chính là người” và nó làm cho tôi rất suy nghĩ.

    Đối với tôi, việc sống ở đâu không quan trọng bằng việc mình thuộc về đâu và được làm việc mình thích. Vì thế, tôi quyết định trở về Hà Nội làm việc và bắt đầu công việc dịch sách của mình từ năm 2014 và cho đến nay tôi đã xuất bản được gần 50 đầu sách. Tự dưng tôi cảm thấy rằng, tôi có nhu cầu được làm công việc tôi thích nhất hồi nhỏ, đó là đọc sách.

    Tôi thấy ở Việt Nam mình có hiện tượng là coi việc đọc sách là một thứ cao siêu, thuộc tầng lớp trên; hoặc là coi thường việc đọc sách, việc đọc sách là của mấy thằng lông bông dở hơi. Khi tôi bắt đầu công việc dịch sách, nhiều người nói với tôi là: “Anh dịch nhiều sách như vậy thì anh có bán cho tôi một cuốn không?”. Ban đầu thì tôi không bán kiểu như vậy mà phó mặc công việc ấy cho bên phát hành. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ, tại sao mình không tự bán những cuốn sách của mình và thế là tôi trở thành người bán sách rong: Ai cần sách của tôi thì tôi sẵn sàng mang đến tận nhà hoặc một nơi nào đó trao cho họ.

    Và thú vị ở chỗ, có những người trước kia chưa hề đọc sách, sau khi tôi bán sách và họ đọc thì lại phát hiện ra: “Ồ, hóa ra đọc sách cũng rất thú vị! Từ khi tôi đọc sách tôi bỏ được rượu chè, cờ bạc, cảm thấy yêu cuộc đời hơn!”.

    Xét cho cùng, nếu sách không hấp dẫn như vậy thì nhân loại biết làm ra sách từ 5.000 năm trước, nghề đó đã không thể tồn tại lâu như vậy. Dịch sách là công việc không ra nhiều tiền, thậm chí là rất cô đơn, nhưng tôi rất muốn dịch những cuốn như cuốn “Hướng dẫn học tập bản tổng quát” được coi là cuốn sách tinh hoa giáo dục của nước Nhật, được Bộ Giáo dục Nhật xuất bản từ năm 1947, nhưng đến nay đọc vẫn không có một chữ nào lạc hậu.

    Ở Việt Nam, đa số người dân không có thói quen đọc sách, nhiều gia đình Việt Nam không có tủ sách trong nhà. Có nhiều lý do để người ta không đọc sách, có nhiều người biết đọc sách là tốt nhưng vẫn không đọc. Tôi cho rằng từ 2-6 tuổi là giai đoạn vàng, nếu không làm cho con thích sách ở giai đoạn này được thì vào tiểu học chỉ còn 50%, sau tiểu học cơ hội chỉ còn 20%, đến sinh viên cơ hội chỉ còn 10% và đến 30 tuổi không đọc cơ hội chỉ còn 1%. Làm sao để tạo ra thói quen đọc sách tự nhiên như cơm ăn nước uống hằng ngày. Vì thế, tôi mong ước có thể thay đổi văn hóa đọc của người Việt Nam.

    Nhiều người nói với tôi rằng, bao giờ giàu có đi đã rồi hẵng nghĩ đến văn hóa, đó là một quan điểm rất sai lầm. Chúng ta đều biết, hiện nay mỗi năm Nhật Bản thu hút một lượng khổng lồ khách du lịch và thu về rất nhiều tiền, nhưng người ta đến Nhật không phải để ngắm các công trình kỳ vĩ mà vì muốn biết về văn hóa Nhật Bản xem nó là gì mà khiến nước Nhật trở nên hùng mạnh như vậy? Có nhiều người đặt câu hỏi với tôi là: “Đọc sách có ra tiền không?”, tôi trả lời là: “Có. Có điều không biết mắt anh có đủ tinh để nhìn thấy nó ra tiền hay không mà thôi!”.

    Tác giả: NNC Nguyễn Quốc Vương, Thành viên Hội đồng Cố vấn Vietschool

    Nguồn: Công an Nhân dân Online


    Cũ hơn Mới hơn


    Thông tin liên hệ

    ĐĂNG KÝ TÌM HIỂU THÔNG TIN VIETSCHOOL

    Nhà trường sẽ phản hồi Quý phụ huynh trong 24h. Xin cảm ơn!