Khám phá khoa học
Liệu có quá sức không khi để trẻ làm quen với khoa học từ mầm non? Không hề quá sức với trẻ bởi khoa học không chỉ là những gì cao siêu phải đợi đến khi trẻ lớn lên mới hiểu được mà còn là những hiện tượng đơn giản hiển hiện ngay trước mắt trẻ mỗi ngày. Như nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ Carl Sagan từng nói: “Every kid starts out as a natural-born scientist” (tạm dịch: Mọi trẻ em đều bắt đầu suy nghĩ như những nhà khoa học bẩm sinh).
Đưa khoa học vào vào chương trình học mầm non đã được các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… áp dụng từ rất lâu. Việc cho trẻ mầm non tiếp xúc với khoa học sẽ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện trong tương lai.
1. Tại sao trẻ nên học khoa học ở độ tuổi mầm non?
Trẻ từ 3-6 tuổi bắt đầu biết tò mò và thích thú với những sự vật và hiện tượng xung quanh mình. Trẻ quan sát, phân tích và đặt những câu hỏi với tất cả sự vật, hiện tượng mà mình nhìn thấy. Khi có được câu trả lời, trẻ càng thích thú và tò mò hơn. Do đó, đây chính là độ tuổi lý tưởng để trẻ trải nghiệm và khám phá bộ môn khoa học bằng phương pháp trực quan, sinh động.
Việc học khoa học ở độ tuổi mầm non sẽ là tiền đề cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai, đồng thời hoàn thiện các kỹ năng như: quan sát, so sánh, phân loại, giải quyết vấn đề, sáng tạo, ra quyết định, làm việc nhóm, giao tiếp... Những phát triển quan trọng này sẽ gần như định hình cho những năng lực trí tuệ về sau của trẻ.
2. Vì sao nên chọn Vietschool để con phát triển khoa học?
Trẻ mầm non không học lý thuyết hàn lâm mà trẻ học qua chính những trải nghiệm - thực làm, thực học. Vì thế, bộ môn “Khám phá khoa học” của mầm non Vietschool được thiết kế để trẻ học về tất cả những gì diễn ra xung quanh ngay trong chính cuộc sống thực.
Để làm được điều đó, Vietschool đã nghiên cứu và xây dựng một lộ trình học tập khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế cho trẻ. Khắc phục được các nhược điểm của việc dạy khoa học theo phương pháp truyền thống, chương trình “Khám phá khoa học” của Vietschool nổi bật với 5 ưu điểm:
- Hệ thống bài học được xây dựng hợp lý với nhiều chủ đề khoa học hấp dẫn, thú vị, gần gũi với cuộc sống thực tế của trẻ.
- Cấu trúc bài học với đầy đủ các phần từ quan sát, đặt câu hỏi đến làm thí nghiệm, giải đáp, kết luận, mở rộng... kích thích trẻ muốn tìm hiểu về sự vật, hiện tượng. Đồng thời giúp trẻ tiếp nhận kiến thức có tính hệ thống, liền mạch và phát triển theo tâm lý tự khám phá và kiến tạo kiến thức.
- Chương trình thiết kế học liệu đầy đủ với kho video, hình ảnh và vật dụng thí nghiệm phù hợp với tâm lý phát triển của trẻ theo độ tuổi. Từ đó, tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học gần gũi với trẻ, trẻ được bắt tay vào thực hành làm khoa học ngay tại lớp học.
- Đội ngũ giáo viên chuyên môn cao, luôn sáng tạo và linh hoạt trong giảng dạy, kích thích sự tò mò và tạo cho trẻ cơ hội thực hành tối đa.
- Phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động, chú trọng thực hành giúp trẻ dễ dàng quan sát và trải nghiệm.
3. Chương trình được thiết kế phù hợp với độ tuổi trẻ
Chương trình khoa học mầm non Vietschool được thiết kế dưới dạng các hoạt động trải nghiệm thực tế. Đối với mỗi lứa tuổi sẽ có những bài học và trải nghiệm thực hành phù hợp để kích thích sự ham học hỏi, tò mò và muốn khám phá thế giới xung quanh của trẻ.
Mẫu giáo bé: Khám phá khoa học qua hoạt động thú vị
Việc học tập của trẻ từ 0-6 tuổi chủ yếu được tiến hành thông qua tiếp xúc trực tiếp với môi trường và các trò chơi. Trẻ không thích chỉ được đứng ngoài lắng nghe, thay vào đó trẻ muốn được tự mình tham gia quan sát và khám phá hơn.
Do đó, trong giai đoạn này, Vietschool nhấn mạnh vào việc tạo cho trẻ môi trường học khoa học phong phú, đa dạng, tăng cường những hoạt động “mắt thấy - tai nghe” để trẻ được nhìn ngắm, đặt câu hỏi và tự tìm tòi câu trả lời. Việc để trẻ trải nghiệm sẽ giúp trẻ ghi nhớ lâu hơn và phát triển tính kiên nhẫn.
Hệ thống bài học được sắp xếp logic với nhiều chủ đề quen thuộc và gần gũi với trẻ như: Cơ thể của bé, thực vật, động vật, bảo vệ môi trường, mùa, thực phẩm, tiết kiệm điện - nước, các loại năng lượng... với cách dẫn dắt hấp dẫn bằng video, hình ảnh trực quan.
Trong quá trình học, trẻ sẽ được tham gia rất nhiều hoạt động khoa học thú vị như gieo hạt bằng bông, thí nghiệm với nước, không khí, làm vòng đời của ếch... Ví dụ, với hoạt động “Gieo hạt bằng bông”, trẻ sẽ được tự tay chuẩn bị hạt đậu xanh, bông gòn, gieo hạt rồi tìm nơi có ánh sáng để đặt cây, tưới nước cho cây và theo dõi sự nảy mầm của cây hàng ngày.
Bên cạnh đó, trẻ còn được tham gia các chuyến đi dã ngoại, sở thú để quan sát và có những trải nghiệm bổ ích. Có thể thấy, từ những hoạt động thú vị này, trẻ không chỉ được tìm hiểu về khoa học mà còn yêu thích và muốn tiếp tục khám phá những chủ đề thú vị và thử thách hơn.
Mẫu giáo nhỡ: Khám phá khoa học qua thí nghiệm
Khi bước lên mẫu giáo nhỡ, trẻ sẽ được tìm hiểu sâu và mở rộng hơn các chủ đề khoa học như: Giác quan, màu sắc, dụng cụ khoa học, bộ phận của cây, vòng đời của cây, phân biệt sinh vật sống/vô sinh vật, quá trình phát triển của con gà, động vật dưới nước, tháp dinh dưỡng, bộ phận cơ thể, theo dõi thời tiết...Ví dụ, khi tìm hiểu về các bộ phận cơ thể, trẻ không chỉ học về tai, mắt, mũi... như mẫu giáo bé mà mở rộng ra là thính giác, thị giác, khứu giác...
Bên cạnh đó, trẻ được tham gia làm các thí nghiệm thú vị như: Sự biến đổi của màu sắc, làm giá đỗ bằng vỏ hộp sữa, lá cải thảo đổi màu, làm mô hình vòng đời của bướm, trò chơi xây tháp dinh dưỡng, làm tháp dinh dưỡng bằng bìa, làm thí nghiệm đèn pin - mặt trời - quả địa cầu... được áp dụng linh hoạt và phù hợp với từng bài học. Việc tham gia và hoàn thành các thí nghiệm giúp trẻ dần có được ý thức về sự suy luận rằng: Tại sao? Vì sao lại như vậy, đồng thời tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhất.
Cụ thể, khi học về màu sắc, trẻ được tham gia làm thí nghiệm “Sự biến đổi của màu sắc”. Trong thí nghiệm này, trẻ quan sát và thực hành pha màu, kết hợp hai màu sắc khác nhau để tạo thành một màu mới. Ví dụ như màu xanh dương pha cùng màu đỏ sẽ cho ra màu tím. Màu vàng với màu đỏ cho ra màu cam, màu xanh dương pha với màu vàng cho ra màu xanh lá. Thông qua đó, trẻ sẽ ứng dụng kiến thức về pha màu để vẽ tranh, nhuộm vải, chơi với nước...
Khi tìm hiểu về thực vật, trẻ được thực hành “Làm giá đỗ bằng vỏ hộp sữa” với các dụng cụ đơn giản được chuẩn bị sẵn. Trẻ được tự tay cho hạt đỗ vào trong hộp sữa, tưới nước và tìm vị trí đặt hộp giá đỗ của mình. Hàng ngày, trẻ tiến hành chăm sóc, tưới nước cho giá đỗ, quan sát giá đỗ lớn dần và tận hưởng thành quả của mình.
Với bài học về các giác quan, trẻ được quan sát hoạt động “Nổ bỏng ngô” ngay tại lớp học để hiểu cách sử dụng đủ 5 giác quan: Mắt (Thị giác) quan sát quá trình ngô nở thành bỏng, Tai (thính giác) nghe tiếng bỏng ngô nở, Mũi (Khứu giác) ngửi mùi thơm từ bơ, Tay (Xúc giác) để sờ sự khác nhau giữa hạt ngô và bỏng ngô, cuối cùng là dùng Lưỡi (Vị giác) để cảm nhận vị của bỏng ngô khi ăn.
Hoặc khi tìm hiểu dụng cụ khoa học, trẻ được cô giáo hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng nhiệt kế, kính lúp, nam châm, găng tay, kính bảo vệ... khi tham gia làm các thí nghiệm khoa học.
Mẫu giáo lớn: Trải nghiệm thực tiễn
Ở Mẫu giáo lớn, trẻ tìm hiểu và khám phá các nguồn năng lượng, tài nguyên trái đất, thời gian ngày - đêm... thông qua các trải nghiệm thực tiễn như làm mô hình, hoạt động nhóm, thí nghiệm. Mỗi kiến thức khoa học hay kỹ năng đều gắn với việc tạo ra một sản phẩm cụ thể để bài học trở nên ý nghĩa với trẻ hơn.
Chẳng hạn, khi học về chủ đề “Cơ thể người”, trẻ được tham gia làm thí nghiệm “Dấu vân tay”. Cô giáo sẽ phết màu vẽ lên toàn bộ bàn tay của trẻ rồi trẻ ấn mạnh lên tờ giấy trắng. Qua quan sát dấu tay của mình và các bạn khác in trên giấy trẻ sẽ nhận thấy: “Đường chỉ tay của mỗi người đều khác nhau và dấu tay cũng vậy. Dấu tay thường được các chú công an dùng trong công tác điều tra và xác định danh tính tội phạm”.
Hay với chủ đề “Sự chìm nổi của một vật trong nước”, cô và trẻ sẽ cùng làm thí nghiệm “Trứng nổi - Trứng chìm”. Trẻ sẽ quan sát và nhận ra: Nếu cho một quả trứng bình thường vào nước thì quả trứng sẽ chìm nhưng khi cho muối vào cốc nước thì trứng sẽ bắt đầu nổi lên vì nồng độ muối đậm đặc đã đẩy quả trứng nhẹ hơn so với muối và nổi lên trên.
Khi học về chất khí, trẻ được làm thí nghiệm về “Duy trì sự cháy trong không khí”. Trẻ quan sát 2 cây nến đang cháy, một cây nến bị úp cốc xuống sẽ tắt dần còn cây nến không bị úp cốc vẫn tiếp tục cháy. Từ đó, trẻ rút ra được “Không khí sẽ duy trì sự cháy”.
Hoặc khi học về chất lỏng, trẻ tiến hành làm thí nghiệm “3 lớp chất lỏng” với siro, nước và dầu ăn. Trong thí nghiệm này, trẻ quan sát thấy 3 lớp chất lỏng xếp chồng lên nhau, không hề hòa tan. Lớp siro nặng nhất sẽ chìm xuống dưới cùng, lớp nước nhẹ hơn siro nhưng nặng hơn dầu nên ở giữa, lớp dầu thực vật nằm trên cùng vì nhẹ hơn nước và siro. Từ quan sát và thực hành làm thí nghiệm, giáo viên sẽ giúp trẻ hiểu ra nguyên lý khoa học: Mỗi chất lỏng có trọng lượng riêng khác nhau, chất lỏng nặng hơn chìm dưới chất lỏng nhẹ hơn.
Bên cạnh các hoạt động khoa học thú vị trên lớp, trẻ còn được tham gia các chuyến đi đến viện bảo tàng, phòng thí nghiệm... để tìm hiểu, phân tích và tương tác với những người có chuyên môn. Tất cả những điều này sẽ giúp trẻ hình thành nên tư duy khoa học ngay từ khi còn nhỏ.