ÂM NHẠC TIỂU HỌC VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM TUYỆT VỜI TẠI VIETSCHOOL
MỤC LỤC [Ẩn]
Âm nhạc là nghệ thuật dùng âm thanh và nhịp điệu để diễn tả, phản ánh tư tưởng, trí tuệ và tình cảm con người. Đặc biệt hơn, âm nhạc có tác động lớn đến quá trình hình thành cũng như phát triển của mỗi cá nhân. Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng bằng ngôn ngữ của thi ca. Chẳng có âm điệu nào thiết tha, da diết bằng cung thanh, cung trầm của khúc nhạc.
Cho đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đưa ra những kết quả cho thấy vai trò quan trọng của âm nhạc đối với sự phát triển của trẻ từ những năm tháng đầu đời. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 3 - 10 tuổi - thời điểm trẻ bắt đầu đến tuổi đi học mẫu giáo và tiểu học, trẻ có rất nhiều sự tò mò và mong muốn khám phá, học hỏi những điều mới lạ trong cuộc sống xung quanh. Đây cũng là thời điểm mà âm nhạc góp phần rất lớn trong sự phát triển của trẻ cả về trí tuệ, năng lực ngôn ngữ cũng như khả năng biểu lộ cảm xúc.
Âm nhạc là phương tiện hiệu quả để giáo dục sự phát triển con người toàn diện
Với Triết lý giáo dục: Giáo dục và phát triển con người toàn diện, biết lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống. Trường Liên cấp THCS - Tiểu học Vietschool đã rất chú trọng bộ môn Âm nhạc và luôn duy trì thời lượng học tập 2 tiết/tuần kể từ khi thành lập.
Tôi rất may mắn khi có “duyên” với ngôi trường rất đề cao môn Âm nhạc và các môn nghệ thuật khác - bộ môn mà đối với rất nhiều trường học chỉ được coi là môn phụ.
10 năm tôi gắn bó với nghề dạy học, là cô giáo dạy môn Âm nhạc, tôi cảm thấu được tầm quan trọng của bộ môn mình đang giảng dạy đối với sự phát triển cân bằng, hạnh phúc của học sinh. Giáo dục âm nhạc ngoài việc là một bộ môn nghệ thuật, một bộ môn khoa học, nó còn là một bộ môn nhân học. Carl Orff đã nói: “Âm nhạc bắt nguồn từ con người”. Người xưa có câu “Phàm âm chi khởi, do nhân tâm sinh dã” (Phàm là âm nhạc thì đều bắt nguồn từ trái tim con người). Vì vậy, việc tiến hành đào tạo con người toàn diện, nhân tài của mọi thời đại là không thể coi nhẹ tác dụng của giáo dục âm nhạc.
Những trải nghiệm tuyệt vời với bộ môn Âm nhạc tại Vietschool
Ở cấp Tiểu học, các em có 2 tiết Âm nhạc trên tuần, chương trình được xây dựng bởi các chuyên gia sư phạm âm nhạc, phù hợp với định hướng giáo dục của Nhà trường, mang lại những tiết học thật hiệu quả, nhiều giá trị tích cực tới các em học sinh.
Để có được những tiết học mang lại nhiều hứng thú cho học sinh, tạo sự yêu thích môn học, giáo viên có ứng dụng các phương pháp giáo dục hiện đại trên thế giới như: Kodály, Orff-Schulwerk, và Dalcroze lồng ghép linh hoạt vào các hoạt động dạy học.
Phân môn Học hát
Các bài hát lựa chọn đưa vào chương trình là những bài hát đa dạng theo chủ đề: quê hương, đất nước, thiên nhiên, mái trường, thầy cô, bạn bè, gia đình, nhạc nước ngoài… Trong tiến trình dạy phân môn này, giáo viên đưa nhiều hoạt động trò chơi, vận động để tăng sự hứng thú, kích thích khả năng của học sinh ở nhiều khía cạnh, chứ không chỉ riêng việc hát lời ca theo đàn hoặc nhạc đệm.
Ví dụ, trong tiết học hát bài “Đẹp mãi tuổi thơ”, sau khi đã học hoàn thiện bài hát và ghép với nhạc đệm, học sinh được tham gia các hoạt động: hát kết hợp body percussion (bộ gõ cơ thể), gõ đệm với nhạc cụ gõ theo nhóm (nhóm gõ tiết tấu, nhóm gõ phách hoặc nhịp..), vận động minh hoạ và một số trò chơi.
Cùng với đó, mô hình tổ chức đa dạng theo hình tròn, kết đôi, 2 hàng đối xứng… cũng được chọn lọc phù hợp với từng bài học giúp các em nhanh thuộc lời ca, cảm nhịp tốt, tăng sự kết nối, hợp tác, khả năng tự quan sát, tự học hỏi lẫn nhau cũng đạt hiệu quả cao hơn.
Hoạt động trò chơi trong phân môn học hát.
Phân môn Đọc nhạc – Nhạc cụ (2 phân môn này thường đi đôi với nhau)
Học sinh có thể đọc và luyện tập tiết tấu của một bài hát một cách đơn giản và dễ hiểu mà không cần đến bản nhạc.
Chữ theo hình tiết tấu.
Đọc tiết tấu theo âm tiết.
Một bài đọc nhạc ứng nhạc nhạc cụ gõ định âm.
Các bài học theo cấp độ, từ khối lớp 1 đến lớp 5 học sinh sẽ tập đọc nốt nhạc trên khuông nhạc và từ đó hình thành các kiến thức về nhạc lý cho học sinh một cách nhẹ nhàng và dễ tiếp thu hơn. Khi các em đã đọc được đúng tên cao độ, trường độ, tiết tấu của một bài đọc nhạc đều mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn việc đọc nhạc thông thường. Chính vì vậy các nhạc cụ định âm hoặc nhạc cụ giai điệu (Xylophone, Handbells, Deskbells, Kèn phím) được đưa vào cho các em học sinh thực hành lồng ghép vào phần đọc nhạc.
Học sinh thực hành nhạc cụ Xylophone.
Riêng ở nội dung Nhạc cụ, tại Vietschool các em được sử dụng đa dạng các loại nhạc cụ gõ không định âm (Stick, Bells, Triangle, Tambourine, Maracas, Drum,…) ngoài các nhạc cụ định âm và nhạc cụ giai điệu. Các hoạt động chơi nhạc cụ được lựa chọn bài phù hợp, tổ chức linh hoạt, có logic, có sự phân hoá với từng đối tượng học sinh trong một lớp.
Học sinh chơi hoà tấu nhạc cụ gõ không định âm.
Phân môn Thường thức âm nhạc
Phân môn này dễ khiến học sinh không ấn tượng và yêu thích. Nhưng tại Vietschool, học sinh lại rất hứng thú và tò mò khám phá. Ở nội dung này học sinh sẽ biết thêm các kiến thức liên quan đến âm nhạc như: nhạc sĩ nổi tiếng cùng những tác phẩm tiêu biểu, các thể loại ca khúc, thể loại âm nhạc, nhạc cụ dân tộc, nước ngoài, những câu chuyện âm nhạc, những nhạc kịch ngắn... Hơn nữa, trong phân môn này, học sinh được vận dụng sáng tạo phát huy được tối khả năng của mình như: hát, chơi nhạc cụ, vận động, hoá thân…
Học sinh hoá thân thành các nhân vật trong bản nhạc “Peter & the Wolf”.
Học sinh vận động nhịp điệu với bản nhạc được nghe.
Môn Âm nhạc giúp cho các em thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Khi đưa các phương pháp hiện đổi, đổi mới, tích cực vào dạy môn Âm nhạc tôi thấy các em học sinh rất thích thú, hào hứng, mong chờ đến tiết học nhạc. Ngoài việc phát triển khả năng nghe và phát triển ngôn ngữ thì các em còn được rèn thói quen cộng tác với các bạn, thói quen đứng trước đám đông nhờ có học nhạc mà các em tự tin hơn rất nhiều.
Âm nhạc giúp trẻ em trở thành những học sinh tốt hơn.
Không chỉ dừng lại trong lớp học với sự đam mê, tự tin, yêu âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, học sinh Vietschool còn có rất nhiều cơ hội để thể hiện mình trên sân khấu lớn hơn. Hằng nằm theo các chuỗi sự kiện, có rất nhiều chương trình để học sinh rèn luyện và phát huy tài năng của mình. Đặc biệt, trong năm 2023, Nhà trường dành riêng chương trình Winter Concert hoành tráng để học sinh toàn trường đều được tỏa sáng trên sân khấu.
Winter Concert 2023 - Học sinh khối 1 biểu diễn hát và nhạc cụ gõ cùng các thầy cô.
Winter Concert 2023 - Học sinh khối 2 biểu diễn hòa tấu nhạc cụ Xylophone & Desk Bells.
Winter Concert 2023 - Học sinh khối 3 biểu diễn hòa tấu nhạc cụ Handbells.
Winter Concert 2023 - Học sinh khối 4 biểu diễn hòa tấu nhạc cụ gõ.
Winter Concert 2023 - Học sinh khối 5 biểu diễn Body Percussion.
Giáo dục Âm nhạc hình thành cho các em lòng yêu thiên nhiên, quê hương, tình yêu thương con người. Âm nhạc là phương tiện phát triển năng lực thẩm mĩ, đạo đức, trí tuệ, thể chất cho trẻ, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện nhân cách, củng cố kiến thức trẻ trong học tập, vui chơi. Bởi vậy, giáo dục âm nhạc cho trẻ em – đó không phải là đào tạo nhạc công mà chính là đào tạo con người.
Tôi cùng các đồng nghiệp đầy tâm huyết của mình tại ngôi nhà Vietschool sẽ luôn giữ “lửa” truyền cảm hứng tích cực cho các em học sinh thân yêu để cùng đào tạo lên những con người biết lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống.
- Cô Nguyễn Thị Điệp – Giáo viên Âm nhạc, bài viết trong chương trình “Chuyện kể Giáo viên